Chuyện đạp xe

20252503 #thoughts #life

Chuyện là từ tết âm lịch, mình có thú vui đạp xe mỗi sáng. Mình mua một chiếc xe đạp cũ, xe sườn sắt, những phụ tùng có thể xem là bình dân nhất, vì nghĩ bản thân chắc cũng chỉ duy trì thói quen này vài ba hôm thôi, mua đồ xịn xò rồi bỏ thì phí lắm (chứ không phải là không đủ tiền đâu hen).

Hai tháng nay mỗi ngày mình đều đạp khoảng 10-20km. Cũng muốn đạp đường dài như mấy anh chị đạp xe chuyên nghiệp lắm mà điều kiện sức khỏe và độ siêng năng của mình không cho phép...

Đoạn đường mình đạp là đường bê tông hai bên bờ kênh, đoạn cuối con kênh có một cây cầu cắt ngang cũng là nơi quay đầu. Bài viết này mình sẽ chia sẻ về một số khó khăn, cũng như trải nghiệm của mình về chuyện đạp xe mấy tháng qua.

Cây cầu ở cuối con kênh

Tuột đường

Hôm đầu tiên đạp xe, mình không chuẩn bị gì cả, không nước, không đo hành trình, cứ thế mà đạp. Được có hơn 3km là bắt đầu thấy mệt mệt, choáng váng, tim đập cũng rõ nhịp bùm bụp. Và đặc biệt hơn hết, thấy buồn nôn...

Sau này tìm hiểu mình mới biết đó là bị tuột đường, vì sáng sớm bụng còn đói, cơ thể còn đang trong chế độ dùng mỡ làm năng lượng. Chưa kịp thích nghi nên đường huyết xuống hơi thấp và buồn nôn là dấu hiệu nhận biết thấy rõ nhất. Mình phải đạp chậm lại, có đoạn còn dừng hẳn ngồi xuống bên vệ đường, khá là quê nhưng thôi kể ra có khi sau này có người bị giống mình thì rút kinh nghiệm.

Hôm sau mình đem theo vài cục kẹo, đạp được tầm 15 phút là mình ngậm ngay một viên, không để đường huyết xuống quá thấp lại quê độ nữa.

Tin vui là sau tầm gần hai tuần là mình sẽ không cần mang theo kẹo nữa, lúc này cơ thể đã quen với việc đốt mỡ, nó chuyên nghiệp hơn. Mình đã có thể đạp một mạch mà không cảm thấy buồn nôn, chóng mặt gì như bữa đầu nữa. Thế nên nếu những ngày đầu bạn có cảm thấy kiệt sức thì đừng nghĩ là do cơ thể bạn yếu ớt nhé, hãy cứ kiên trì đạp, mệt thì đạp chậm lại. Mang theo một ít đồ ngọt để nâng đường huyết lên nhé!

Khi đã quen với việc đốt mỡ, cơ thể sẽ dùng nguồn năng lượng dự trữ này một cách hiệu quả hơn, bạn sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng. Đồng thời cũng thấy rất sướng vì cuối cùng cũng tìm được cách đốt mỡ thật sự rồi!

Nên nhớ kẹo ngọt chỉ là biện pháp nhất thời, đừng ăn quá nhiều nhé, không lại thành ra phụ thuộc, bỏ là lại thấy mệt ấy!

Giới hạn tâm lý

Sau một thời gian, việc đạp xe không còn là thử thách về mặt thể chất. Mình đã có thể đạp 15km mà không cần nghỉ dọc đường nữa (vâng, chỉ cần vậy thôi là mình tự hào rồi!). Vấn đề ở đây là về tâm lý.

Đoạn đường mình đạp xe tuy có dài nhưng rất ít thay đổi, mỗi ngày đạp ba bốn vòng y như nhau khá là chán. Lúc này mình nhận ra cái khó tiếp theo của việc đạp xe đó là duy trì động lực.

Những ngày đầu còn hứng thú, xe mới, thói quen mới, tiến bộ này kia. Tầm một tháng sau sẽ không còn những cảm xúc đó nữa, chỉ có bạn, chiếc xe và những đoạn đường quen thuộc.

Mình cố "gồng gánh" cảm giác chán nản này bằng việc nghe podcast, nghe nhạc mỗi khi đạp xe. Cũng may là tai nghe có chế độ xuyên âm, đồ rẻ tiền nên có hơi bí tiếng nhưng mà cũng đủ để nghe tiếng còi xe và nghe có ai đi đằng sau hay không để còn né.

Sau đó mình cố không nghe này kia nữa, cứ lên xe và đạp thôi. Mình muốn sẵn đây rèn luyện khả năng chịu đựng các cơn chán nản. Cảm giác như màn hình điện thoại đã làm mình nhạy cảm và yếu ớt hơn trước những giây phút bình thường. Không xô bồ, không ồn ào, không có chuyện chia tay xích mích, chửi bới nhau, chỉ là bình thường thôi.

Mình bắt đầu để ý được tiếng chó sủa ngoài đồng, tiếng mèo kêu, chim hót, tiếng lũ chuột lục lọi thùng rác, tiếng chào nhau của mấy cụ cao tuổi, tiếng dây sên cắn vào các gai líp kêu lạch cạch. Mình tập trung vào mặt đường, có xác lá vàng, vũng nước mưa tối qua, và bịch rác của mấy người vô văn hóa hôm qua ăn hàng ở đây...

Có vẻ như chúng ta cảm chán nản chỉ khi tâm trí đi lạc đâu đó, không để ý những sự kiện, hoạt cảnh đang không ngừng diễn ra ngay trước mắt. Nói chung là mình tập thực hành chánh niệm bằng việc đạp xe!

Thời gian để tư duy

Khi đã bỏ đi thói quen thả tâm trí vào mấy cái podcast, playlist nhạc. Mình có thời gian để nghiền ngẫm những ý tưởng từ lâu nảy ra trong đầu. Khi đôi chân đang nâng lên đạp xuống cũng là khi đầu mình đang đặt ra những câu hỏi xuất phát từ hoạt cảnh xung quanh.

Có cụ ông đi bộ với dáng khập khểnh, chắc là cụ từng trải qua cơn tai biến. Mình nhìn cụ và nghĩ về những điều mình muốn làm trong tương lai, dự định, hoài bảo, nghĩ về tính mỏng manh của sinh mệnh.

Có viện dưỡng lão và mấy cô chú đang tập thể dục, có chị nhân viên chăm sóc cho mấy cụ. Mọi người cũng bắt đầu một ngày mới, cười nói, thăm hỏi. Mình nghiền ngẫm về cảm giác yên bình, về những xô bồ ngoài đường lộ cách đây không xa, và về cái xã hội phức tạp bên trong màn hình điện thoại. Rất nhiều câu hỏi, trầm ngâm sẽ xuất hiện khi mình dám đối mặt với sự chán nản.

Một phần có lẽ cũng do cơ thể mình những lúc đạp xe sáng sớm đang dùng thứ năng lượng có được từ mỡ, một dạng năng lượng sạch, không như năng lượng từ bánh kẹo đầy sucrose. Vì thế đầu óc cũng minh mẩn hơn, cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng chứ không hừng hực và nôn nao như khi vừa nốc một lon nước tăng lực, hay một thanh socola ngọt lịm.

Dậy sớm

Một trong những điều khó khăn nhất của việc dậy sớm là "không biết làm gì". Có người 8:00 sáng mới phải sửa soạn đi làm, dậy lúc 5:00 cũng chả biết để làm gì. Việc đạp xe hay tập thể dục sẽ giải quyết được vấn đề này. Bạn không còn lề mề, nán lại trên giường với cái điện thoại nữa, bạn sẽ muốn thay đồ, rót một bình nước, leo lên xe và đạp.

Mình đặt báo thức lúc 4:15 sáng và nằm lại trên giường thêm 15 phút, đợi cái báo thức thứ hai kêu lên thì mới dậy sửa soạn, rửa ráy rồi 4:45 là lên đường.

Một lần ngồi ngắm bình minh

Trong quá khứ chưa bao giờ mình nghĩ sẽ đều đặn dậy sớm được như vậy trừ khi bị ép buộc, ấy thế mà mình đã làm được việc này hai tháng rồi. Một niềm tự hào lớn với thân xác vô dụng này...

Việc bắt đầu một ngày bằng hoạt động thể chất cũng sẽ kéo tâm trạng của bạn lên một tầng tốt đẹp hơn cho cả ngày hôm đó. Nếu không tin bạn hãy thử dậy sớm đạp xe hay chạy bộ trong một tuần đi!


Bài viết liên quan