Nói về ăn nhậu

20251005 #thoughts #life

Mình lớn lên ở vùng ngoại ô Sài Gòn, nơi những bữa tiệc tùng, rượu chè gần như là không thể thiếu. Hai mươi lăm tuổi đầu, mình từng uống hai lần, một lần rượu, lần còn lại là bia. Lần nào cũng say be bét, có một lần phải dậy nửa đêm để nôn.

Nếu là người thân của mình, bạn sẽ biết rằng mình luôn là thằng ngồi với ly đen thay vì ly vàng trong bàn nhậu. Mình biết là trên bàn nhậu đó, sẽ có người xem mình như đồ đàn bà, sẽ có người xem mình thiếu trải đời, cũng có người xem mình là dị hợm.

Dù mọi người có xem mình là gì, bản thân mình đã suy ngẫm nhiều và rút ra một phương châm sống, mình sẽ không nhậu.

Nhậu vui lắm!

Khi bị phê phán về việc ăn nhậu, chắc chắn không ít lần người ta sẽ đáp lại bằng những câu này.

Nhậu vui lắm, tại bạn không nhậu nên không biết!

Tôi nhậu để giải tỏa, tại đời tôi nhiều áp lực!

Ma túy, cần sa, thuốc phiện, cồn... Điểm chung của chúng là đều vui lắm. Nếu như chỉ cần vui là đủ thì bạn có thể dùng những lời biện minh trên để áp dụng cho một tên nghiện ngập. Có nhiều cách để vui, tại sao lại chọn một thói được chứng minh là hủy hoại nội tạng để mua vui?

Mình có tìm hiểu về cồn và cơ chế đem lại niềm vui của nó. Nói một cách đơn giản là cồn sẽ làm cơ thể tiết ra một lượng lớn Dopamine, đồng thời làm tê liệt vùng não tư duy và đưa ra quyết định. Nói chung, cồn khiến ta hưng phấn và thiếu sáng suốt.

Thiếu kiểm soát, thiếu tư duy, nhưng lại cảm thấy đã đời, thỏa mãn và hừng hực hưng phấn. Chả trách sao khi nhậu vào ta thấy mọi vấn đề đều như nhẹ bỗng, chỉ đến khi tỉnh rượu mới nhận ra chẳng có gì thay đổi. Chỉ là mấy giờ qua ta đã quên lãng chúng, để chúng sang một bên và phiêu bồng ở thế giới của những kẻ điên loạn.

Mình không nói là nhậu không vui, mình hiểu về cơ chế đem lại niềm vui của nó. Và chính vì hiểu rõ nên mình không chọn nhậu làm "thủ tục để mua vui".

Đối với mình nói nhậu vui lắm nên hãy nhậu đi cũng giống như nói thịt chó ngon lắm hãy ăn thịt chó đi, đua xe đã lắm hãy đua xe đi. Có nhiều thứ đem lại niềm vui và sự thỏa mãn, đó không phải là lí do chúng ta phải đâm đầu vào chúng.

Đốt thời gian

Thường thì ta chỉ nghĩ về đốt thời gian trong bối cảnh chúng ta đang có thời gian. Chẳng hạn như phải ngồi chờ mười lăm phút, việc đốt mười lăm phút này là đơn giản và dễ hiểu.

Có một loại đốt thời gian bằng cách hủy hoại sức khỏe. Giả dụ cơ thể hiện tại có thể duy trì sự sống của bạn trong 50 năm nữa. Việc hủy hoại sức khỏe rút ngắn một năm tuổi thọ cũng là đốt thời gian. Chỉ là nó nằm ở đoạn cuối cuộc đời thay vì trong mười lăm phút sắp tới.

Mình có biết nhiều trường hợp qua đời vì rượu bia, có khi vì tai nạn khi nhậu, có khi vì bệnh tật vun đắp dần dần. Thử hỏi "anh sẵn sàng bỏ lỡ bữa tiệc năm đó để sống thêm một tuần nữa chứ?". Mình không nghĩ nhiều người sẽ chọn bữa tiệc.

Một bữa ăn nhậu 180 phút không chỉ đốt của bạn 180 phút cuộc đời.

Đừng nói về tình nghĩa

Bạn nhậu là một trong những mối quan hệ độc hại nhất mà mình có thể nghĩ đến. Gọi là bạn bè mà lại vì chút trải lòng mà hủy hoại sức khỏe của nhau. Thế thì đừng gọi đó là bạn, họ chỉ là một phương tiện để ta giải bày thôi.

Nếu chỉ có thể bày tỏ tâm tư khi say, tình bạn này chẳng thân thiết lắm đâu. Nếu chỉ có thể trải lòng khi thiếu kiểm soát, nghĩa là khi tỉnh táo vẫn còn đề phòng nhau.

Đối với mình, đã là bạn bè thì phải nghĩ về sức khỏe của nhau. Mình quan trọng sức khỏe của bản thân và của bạn, xin đừng nói mình không nhậu nghĩa là không tôn trọng tình bạn này!

Trải nghiệm của mình, những người ham ăn nhậu thường trong tâm khảm có lòng ích kỷ. Họ đề cao sự thỏa mãn, vui vẻ của bản thân hơn của người khác. Nhất là những người ăn nhậu hơn thua.

Một buổi đi dạo, nếu đúng người thật sự thân thiết, ta có thể kể về nỗi buồn của mình và rồi khóc cùng nhau. Chả cần chi rượu bia và cảm giác lâng lâng. Mình sẵn sàng nghe câu chuyện của bạn, chẳng cần gì cơn say, mình sẽ tỉnh táo đưa ra lời khuyên nếu có thể. Hoặc đơn giản là cùng nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn.

Điều cuối cùng chúng ta cần là hai kẻ lạc lối ngồi với nhau và cùng nhau mất kiểm soát.

Sự tỉnh táo

Đối với mình, những phút giây thiếu tỉnh táo, cuồng loạn và đánh mất mình là những giây phút sống như chết. Có khi còn tệ hơn chết. Ít nhất khi chết rồi ta không làm xấu nhân phẩm hay làm hại bản thân và người khác.

Mình muốn bản thân khi còn thở phải tỉnh táo nhiều nhất có thể. Vì sống làm gì khi không nhận ra là mình đang được sống, không nhận diện được hơi thở, nhận diện được thực tại và những người xung quanh.

Cơ chế đem lại sự giải tỏa của rượu bia là sự thả trôi. Ta không đủ tỉnh táo để nhìn nhận mọi thứ, thế nên sự căng thẳng và những âu lo cũng mờ nhạt theo. Đó là sự trốn chạy, không phải cách giải quyết.

Vũ trụ là quá màu nhiệm để ta thưởng thức. Trăm ngàn năm cũng không đủ, xin hãy giữ mình tỉnh táo khi còn được sống!

Vả lại mình muốn giữ bản thân tỉnh táo vì sau những bữa tiệc, mình muốn phụ giúp những "đồ đàn bà" dọn dẹp bãi chiến trường của những "cánh đàn ông". Cũng không biết các anh đàn ông đến đâu, chỉ thấy ăn nhậu đã đời xong chui hết vào phòng ngủ như chết. Để mấy bà, mấy chị dọn dẹp như kiểu đó là bổn phận của họ.

Sau này có vợ, thà phụ vợ một tay còn hơn kiêng nể mấy ông "chiến binh" mà lao mình vào bàn nhậu. Ít nhất thì vợ sẽ gắn bó với mình trong một đời, mấy ông có khi chỉ muốn hạ gục ta trên bàn nhậu rồi vỗ ngực đắc thắng.

Tôi đâu có nhậu say?

Việc ăn nhậu dù có say hay không cũng là cổ xúy cho một thói quen xấu. Không chỉ là một thói quen, rượu bia là cả một thị trường màu mỡ cho những doanh nghiệp. Say là hậu quả không ai muốn, nếu có chất gây hưng phấn nhưng không say thì chắc chắn họ sẽ kinh doanh cái đó. Càng nhiều người nhậu, những doanh nghiệp này càng nhiều khách hàng, càng nhiều nguồn lực để làm truyền thông, quảng cáo.

Truyền thông sẽ bình thường hóa việc ăn nhậu, có khi là tốt đẹp hóa thói hư này. Truyền thông khắc vào tư duy chúng ta những ý niệm. Khi doanh nhân, giám đốc, chủ tịch cũng nhậu, ta sẽ đánh đồng việc nhậu nhẹt với thành công. Điều này đang là hiện thực, với những câu như:

Nam vô tửu như kỳ vô phong.

Muốn thành công là phải nhậu.

Giống như biết là ma túy dẫn tới bao hệ lụy, ta lại nói "tôi chơi điều độ chứ đâu có phá hoại gì ai?". Việc say hay không, sức khỏe của bạn ảnh hưởng như nào là chuyện của bạn, đó là quyền tự do của mỗi người. Nhưng nó sẽ gián tiếp làm thói ăn nhậu có chỗ đứng trong danh sách những cách giải tỏa và mua vui.

Tại sao không phải là những tiệc trà, cà phê, ăn uống bình thường? Tại sao lại bắt buộc phải có rượu bia rồi lại phải cầm chừng "tôi đâu có say?".

Hơn nữa, việc say xỉn không phải hệ lụy duy nhất của rượu bia. Có người vẫn tỉnh táo khi đã uống rất nhiều, nhưng nội tạng họ vẫn đang bị tra tấn. Khả năng khử độc và chuyển hóa cồn của mỗi người là mỗi khác, nhưng đó vẫn là một áp lực cho cơ thể, cho gan, thận, não và mọi tế bào trong cơ thể.

Chúng ta đều biết cồn sẽ vào máu, và nơi nào máu đi qua, nơi đó sẽ bị hủy hoại bởi cồn. Chúng ta điều biết thế mà, phải không?!

Dù bạn không biết say và uống cực giỏi, thì cũng hãy bảo vệ cơ thể khỏi món ăn chơi "có thể tránh khỏi" này!

Kết lại

Còn nhiều điều mình muốn nói về ăn nhậu lắm nhưng bài viết đã quá dài. Mình muốn dành những lời lẻ này cho người đang dính phải nạn nhậu nhẹt. Xung quanh mình ai ai cũng ăn nhậu, hay ít nhất là bình thường hóa nó. Có thể mình lập dị thật, cũng có thể mình là đồ đàn bà như cách mấy ông đàn ông hay nói.

Cũng muốn dành cho các em trai sắp làm "đàn ông", hãy sống và đưa ra lựa chọn hợp lý. Đừng vì bị kích động mà chọn hủy hoại bản thân.

Mình cũng chẳng muốn dạy đời ai, chỉ là nói lên quan điểm. Bạn có thể đối chiếu, phản biện với những quan điểm trên rồi tự đưa ra kết luận của riêng mình. Tốt nhất là nên phản biện và tư duy khi còn tỉnh táo cho nó hiệu quả nhé!


Bài viết liên quan